Truyện thơ Nôm

Truyện thơ Nôm hay Truyện Nôm là thể loại dùng các thể thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm (thường là thơ lục bát) để kể chuyện (trần thuật). Ðây là một loại hình tự sự có khả năng phản ánh về hiện thực của xã hội và con người với một phạm vi tương đối rộng, vì vậy có người gọi truyện thơ Nôm là trung thiên tiểu thuyết (tiểu thuyết vừa). Nội dung của truyện thơ Nôm thường phản ánh đời sống xã hội cũng như thể hiện quan niệm, lí tưởng nhân sinh của tác giả thông qua việc miêu tả và thường là miêu tả chi tiết, tường thuật lại một cách tương đối trọn vẹn cuộc đời, tính cách nhân vật bằng một cốt truyện với chuỗi các biến cố, sự kiện nổi bật. Truyện thơ Nôm tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, do viết bằng tiếng Việt dùng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm. Truyện Nôm là một bộ phận văn học độc đáo và thể hiện nét thẫm mỹ độc đáo của nền văn học phong kiến Việt Nam mà không nền văn học nào có đươc.Truyện Nôm có tác phẩm được viết bằng thể thơ Đường luật như Vương Tường, Tô Công phụng sử, Lâm Tuyền kỳ ngộ.. nhưng phổ biến nhất là viết bằng thể thơ lục bát. Có hai loại truyện Nôm. Truyện Nôm bình dân viết trên cơ sở truyện dân gian như Phạm Tải Ngọc Hoa, Tổng Trân Cúc Hoa, Thạch Sanh,… Truyện Nôm bác học có loại viết trên cơ sở cốt truyện có sẵn của văn học Trung Quốc như Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị độ mai, Truyện Kiều,.. có loại xây dựng theo cốt truyện sáng tạo bằng hư cấu như Hoàng Trừu, Trê Cóc, Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên,…